Bài viết dưới đây sẽ đề cập các tình huống mất lái phổ biến nhất và cách xử lý từng trường hợp để xe nhanh chóng lấy lại cân bằng.
Trượt bánh
Hiện tượng này thường xảy ra nếu bạn đạp ga quá mạnh khi xe tăng tốc, bánh xe dẫn động sẽ trượt trên đường và xe không tiến tới như bình thường nên gây ra tình trạng trượt bánh. Tuy nhiên, trượt bánh xe ít xảy ra khi trên đường nhựa, mà hiện tượng này xuất hiện khi bạn bị sa vào bãi cát hoặc bùn lầy.
Về cách khắc phục nếu xe bạn bị trượt trên đường nhựa thì không phải lo lắng vì hệ thống kiểm soát độ bám đường sẽ can thiệp ngay lập tức bằng việc rà thắng và giảm ga, giúp xe lấy lại cân bằng. Tuy nhiên nếu xe bạn không được trang bị hệ thống này thì bạn cũng có thể xử lý bằng cách nhả chân ga và lưu ý chỉ rà nhẹ phanh, nếu đạp mạnh phanh sẽ gây ra hiện tượng khóa bánh lúc này tài xế mất hoàn toàn khả năng kiểm soát xe. Trong trường hợp trượt bánh ở trên cát hoặc bùn, bạn cần thả chân ga ngay và không tiếp tục đạp mạnh thêm vì nó có thể khiến xe bị lún sâu hơn. Tình huống này, người lái xử lý bằng thao tác đạp ga từng nhịp để giữ bánh không trượt, đồng thời đánh tay lái qua lại một cách chậm rãi để các bánh xe lấy lại độ bám đường và thoát ra.
Thiếu lái
Khi bạn vào cua quá nhanh và đánh lái gấp, bánh xe trước sẽ mất độ bám đường trong lúc cua làm xe không đi theo hướng đánh lái và lực quán tính làm xe văng ra ngoài góc cua, hiện tượng này dễ xảy ra hơn khi lái xe dướí điều kiện trời mưa. Nếu xe bạn là dẫn động bánh trước, khi tình trạng này xảy ra thì bánh truyền động chính đã mất kiểm soát nên việc xử lý là rất khó, với các xe AWD hoặc dẫn động bánh sau thì dễ xử lý hơn.
Cách kiểm soát tình hình trong tình huống xe thiếu lái là bạn nhả hoàn toàn chân ga và chuyển sang đạp thắng với một lực vừa đủ để bánh không bị khóa cứng khiến tình trạng tệ thêm, việc đạp thắng này cũng làm trọng lượng xe dồn về 2 bánh trước giúp lốp bám đường hơn. Cùng lúc đó, kết hợp động tác trả nhẹ lái theo hướng quán tính để nhanh chóng lấy lại việc điều khiển xe, tránh việc cố gắng xoay vô lăng cho xe trở lại theo góc cua vì lúc này lực quán tính đang kiểm soát xe nên bánh sẽ trượt nhiều thêm và bạn sẽ bị văng ra ngoài góc cua cũng nhanh chóng hơn.
Dư lái
Dư lái xảy khi bánh sau mất độ bám đường lúc vào cua, thường chỉ xuất hiện trên xe dẫn động cầu sau. Để tránh tình trạng này xảy ra bạn nên hạn chế đạp phanh gấp trong lúc cua vì việc phanh sẽ khiến trọng lượng dồn vào 2 bánh trước và bánh sau là bánh dẫn động sẽ mất lực bám đường gây trượt. Ngoài ra, tăng tốc nhanh trong lúc cua cũng gây ra dư lái vì bánh sau sẽ xoay nhanh hơn, đến khi lốp mất lực bám đường thì bạn sẽ giống như đang “Drift” qua khúc cua.
Với tình huống dư lái thì xử lý rất đơn giản là bạn chỉ cần buông chân ga và đánh lái theo hướng bạn muốn đi.
Trượt ”zigzag”
Đây là trường hợp hiếm gặp khi đi trên đường nhưng không phải là khó xảy ra. Trượt “zigzag” là hậu quả bắt nguồn từ việc bạn xử lý không tốt ở tình huống dư lái. Khi tình trạng dư lái xảy ra xe sẽ bị trượt bánh sau và bạn xử lý bằng việc đánh lái lại lần thứ nhất, lúc này, nếu xoay vô lăng quá muộn hoặc quá nhanh thì xe sẽ bị trượt theo hướng ngược lại lần thứ 2 và ở lần thứ 3 xe sẽ bị quăng đuôi với lực rất mạnh. Cuối cùng trước khi xử lý được thì có lẽ xe của bạn đã “ăn” vào lề đường hoặc một chướng ngại vật nào đó.
Để giành quyền kiểm soát xe ở tình huống này, ngay từ lúc xử lý dư lái lần thứ nhất, bạn phải nhìn về hướng muốn đi và xoay vô lăng một phát vừa phải, nương theo lực quán tính đang đẩy xe đi, sau đó trả nhẹ lái lại để giữ cho xe cân bằng ở 4 bánh. Cố gắng xử lý tốt khi xe bị dư lái thì bạn sẽ không phải “đổ mồ hôi” với tình huống trượt “zigzag” tiếp theo.
Với điều kiện đường xá còn yếu kém tại Việt Nam thì các tình huống bất trắc luôn rình rập, điều đầu tiên là người lái cần giữ bình tĩnh, và quan sát nhanh xung quanh để tìm chỗ hướng xe đến thích hợp nhất tránh được các mối nguy hiểm sẽ xảy đến.
ConversionConversion EmoticonEmoticon